Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2006

Về Miền Tây

    Mấy năm rồi không trở lại miền Tây, nơi tôi ‘mắc nợ’ khá nhiều, có món nợ ân tình, có món nợ công việc. Một chuyến công tác Cà Mau là dịp để ‘trả nợ’, mà biết đâu, để “vay thêm” từ đất và người vùng sông nước phương Nam ...

… Từ Sài Gòn xuống tới Vĩnh Long có bao nhiêu cây cầu? Khoảng ba bốn chục! Hồi xưa, tôi đã từng đếm mấy lần! Đi xe đò, lại có tật say xe nên mỗi lần xe qua cầu là lại thấy mệt. Bây giờ, đi xe cơ quan khoẻ hơn nhiều nhưng đường đông hơn, dân cư cũng nhiều hơn, đường có quá nhiều vạch giảm tốc nên ngồi xe cũng hơi bị xóc.

    Mỗi lần đi qua vùng Tiền Giang gần đến cầu Mỹ Thuận, tôi lại cố nhìn dọc bên đường để tìm lại đám rau muống và ngôi nhà “kỷ  niệm” ngày xưa nhưng không bao giờ tìm lại được.

… Dì lấy chồng ở Vĩnh Long, từ năm đi thi đại học tôi đã xuống thăm dì, sau này dì mới chuyển về Sài Gòn.Khoảng năm 1996, được nhờ đem chiếc xe máy xuống cho nhỏ em họ dưới Vĩnh Long, tôi và Đài hăm hở lên đường. Đang chạy xe khá nhanh trên quốc lộ, bỗng một phụ nữ đi xe đạp băng ngang qua đường!. Không thắng kịp nên phải tránh! Ùm! Cả 2 người và xe lao ngay xuống đám ruộng rau muống ven đường!. Bùn đen đặc quánh từ đầu đến chân, bùn phủ kín cả xe, hai thằng lóp ngóp khiêng xe lên rồi lê bước đến một ngôi nhà ven đường xin vào tắm rửa. Không biết bị dính bùn nhiều hơn hay vì …ở sạch hơn bạn mà khi tắm giặt xong bước ra, tôi đã thấy cu Đài ngồi xếp bằng dưới đất, tham gia vào độ nhậu với chủ nhà!. Năm bảy người ngồi quanh chai rượu và con cá lóc hấp nghi ngút khói!. Người và quần áo đều ướt, nhưng cá thì ngọt, rượu thì nóng và sự niềm nở ân cần của chủ nhà khiến lòng tôi ấm áp vô cùng. Được biết ông chủ nhà là chủ tịch hay cán bộ gì đó của xã Cổ Cò. Chúng tôi cảm ơn và hẹn gặp lại ông ở Sài Gòn, hoặc ở Cổ Cò nhưng rồi không bao giờ gặp lại!. Chúng tôi lại lên đường về Vĩnh Long. Lần này Đài nhất định đòi chạy xe, đến thị xã Vĩnh Long hai đứa còn té một cú nữa, thủng 2 cái ống quần, lần này thủ phạm là …rượu uống ở Cổ Cò!. Tội nghiệp nhỏ em đón 2 thằng anh người ngợm thất tha thất thểu, cái xe thì mới rửa mới tinh nhưng bị trầy xước!. Không bắt đền là may lắm rồi, nó còn dắt đến một quán bún thịt nướng trong thị xã, trả công vất vả đường xa!. Ba tô bún được gọi lên, chỉ có tôi và nhỏ em ngồi ăn còn cu Đài gục đầu xuống bàn …ngủ ngon lành, làm hai anh em phải chia nhau phần thịt và chả giò trong tô bún của nó!. Thật bất ngờ, khi chúng tôi vừa ăn xong thì thằng Đài bật dậy như cái lò xo, và …ăn hết tô bún không! Image



 Khi tôi chợt nhớ đến chuyện tô bún cũng là lúc xe dừng ở thị xã Vĩnh Long để ăn cơm trưa. “Sạch sẽ, giá rẻ, có cô chủ quán có răng khểnh và món cá trèn chiên rất ngon”- một anh trong đoàn giới thiệu trước đó. Món cá trèn chiên đúng là ngon. Không thấy cô chủ quán mà chỉ gặp toàn người …bán vé số, những tờ vé số 5-10  ngàn. Trừ mình ra, 5 gã còn lại đều mua vé số và họ mua suốt chuyến đi như thế, đến tỉnh nào cũng mua, khi quay về cũng mua. Anh lái xe còn doạ nếu trúng vé số thì sẽ …bỏ xe lại, đi máy bay về Saigon!!!.

Rời Vĩnh Long, khoảng 1 giờ sau xe qua bắc Cần Thơ. Mố cầu đầu tiên của cầu Cần Thơ thấp thoáng bên bờ phía Vĩnh Long. Cần Thơ đã là thành phố thuộc trung ương và việc đầu tiên của chính quyền là thiết lập trật tự giao thông : xe lôi bị cấm, còn xe máy thì bị …bắn tốc độ!. Trí, đồng nghiệp ở chi nhánh Cần Thơ đang quá giang xe về đây mếu máo rút từ túi áo ra một biên bản phạt : xe máy chạy 48km/h, bị phạt 250K. Bắn tốc độ là tuyệt chiêu của cảnh sát miền Tây, nhiều trạm, nhiều súng đến nỗi anh lái xe cho rằng họ mua súng từ …Campuchia!. Cứ mỗi chuyến xe chạy ngược chiều là một lần cánh lái xe thực hành kỹ năng ra dấu của mình, đã được nâng lên thành nghệ thuật : Nhá đèn: hỏi thăm đường có ‘mai phục’ không; xòe bàn tay ra xoay xoay : không có gì!; chỉ ngược ngón tay ra phía sau : có cảnh sát đằng xa; chỉ ngay ngón tay xuống đất : có cảnh sát rất gần, đưa 2 ngón tay lên làm dấu hiệu khẩu súng: có bắn tốc độ; đưa một ngón tay lên xoay tít : cảnh sát đang chạy xe lòng vòng!. “Hệ thống thông tin” hoạt động hiệu quả như thế mà vẫn thấy có xe bị cảnh sát tóm!.

Bạc Liêu 4h chiều: gặp và làm việc với những “người miền Tây” đầu tiên. Đưa ba giấy mời đích danh dự hội nghị khách hàng, ông Giám đốc nói: chúng tôi sẽ đi …4 người, cho cả kế toán trưởng đi nữa!.Anh nhân viên thị trường bối rối nhưng cuối cùng cũng tặc lưỡi chơi theo kiểu ‘công tử Bạc Liêu’ đồng ý luôn!. Ông kế toán trưởng của họ hóa ra là một người rất vui tính. Tại bữa chiều hôm đó, ông làm mọi người cười lăn với “tuyệt chiêu” cua gái của ông : “Anh sẽ đầu tư cho em một cây xăng ở đường Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM hoặc một kiosque mắt kính Korea(mở ngoặc: cây xăng …cục gạch và tiệm mắt kính …lề đường!).

Quán vắng, các cô tiếp viên ngồi đố nhau, rồi đố khách : “Trên cơ thể người, cái gì chua, cái gì chát, cái gì ngọt?”. Chua là …trái khế! Có lý, nhưng con gái đâu có trái khế?. Trái chanh! Đúng rồi- thì ra cái cục thịt u lên trên lưng bàn tay, giữa ngón trỏ và ngón cái gọi là trái chanh. Chát là …bắp chuối! Đúng luôn !. Còn ngọt là …ngọt là …vú sữa; cười ngã nghiêng, nhưng …sai. Ngọt là ….bánh chè! Thua!.

    Bên bàn nhậu, chủ kể cho khách nghe câu chuyện về vương phi Răm và hoàng tử Cải của vua Gia Long Nguyễn Ánh: Khi chạy trốn quân của vua Quang Trung, hoàng tử sơ sinh cứ khóc, sợ bị lộ nên Nguyễn Ánh ra lệnh giết chết con trai … Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay. Những giai thoại về bứơc chân lưu lạc của vua Gia Long có rất nhiều ở miền Tây, ra đến tận đảo Phú Quốc. Tôi tin rằng khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn qua miền đất này, ông cũng được nhân dân che chở. Con người ở đây vốn thuần hậu, chất phác mà phóng khoáng, ngang tàng. Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu.

Sau bữa nhậu, về khách sạn nhận phòng, đêm vẫn còn khá dài với những gã đàn ông lâu lâu được xa nhà!. Thế là cả bọn còn thuê xe ôm đến quán bar chơi, đi ăn khuya rồi mới chịu về ngủ(…).

… Chúng tôi rời Bạc Liêu đi Cà Mau khi mặt trời còn chưa mọc. Đường hơi nhỏ và có nhiều đoạn đang sửa. Song song với con đường là dòng kênh đào khá lớn, thỉnh thoảng bờ kênh lại sạt lở làm con đường phải uốn khúc để tránh. Nước kênh đục và dâng cao đến nỗi ngồi trong xe có lúc tưởng như mình đang đi trên một con đường xấu, vũng nước đọng trên đường dài bất tận. Bất ngờ, từ “vũng nước” đó, một con đò xuất hiện, cập vào bến sát đường, từ trên đò bước xuống là đôi tà áo dài trắng học trò làm bừng tỉnh cả ban mai. Nữ sinh ở đây bận bộ áo dài màu trắng, khác với ở Tiền Giang, các em bận áo dài trắng với quần đen(?).

  Ăn sáng ở Cà Mau có món bún bò cay, đơn giản là bún và thịt bò và nó cay[:p], cay đến nỗi dân miền Trung như tôi mà còn bị ho sặc sụa và thấy nóng trong bụng!. Dân Cà Mau tin rằng ăn bún bò cay sẽ …giải rượu.

Buổi sang thứ 5 làm việc tại Cục thuế, buổi trưa và chiều tiếp tục ‘làm việc’ với các anh tại quán nhậu thế là xong công việc!. Như vậy mình sẽ có cả 2 ngày tới để khám phá Cà Mau. Nhưng đêm nay vẫn còn rất dài!. Đánh bida! Đây là lần thứ 2 hay thứ 3 gì đó tôi cầm cơ đánh bida. Được ‘đồng đội’ chỉ dẫn rất tận tình, ván đầu tiên tôi ghi được 5-6 điểm/30 điểm còn ván thứ hai khá hơn, được trên 10 điểm. Nhưng cả 2 ván đều thua, mà thua là do tôi ‘để đạn’ cho đối thủ. Chơi bida thật thú vị!. Còn nhớ hồi đi học cấp 2, bạn bè có đứa bắt đầu chơi bida, thầy dặn: “Bây giờ các em lo học đi đã, mai mốt lớn rồi chơi cũng chưa muộn!”. Tôi đã nghe lời thầy, vậy mà bây giờ đã …muộn rồi đấy!. Nghề chơi nào cũng lắm công phu, mình không ‘rèn luyện’ từ nhỏ thì làm sao bây giờ giỏi được [:p]. Tôi biết và vô cùng ngưỡng mộ nhiều người vừa học giỏi, làm giỏi vừa chơi giỏi. Như anh branch manager của một ngân hàng hàng đầu, thỉnh thoảng lại biểu diễn guitar cổ điển trên T.V, thường chửi thề(có xin phép) khi nhậu!. Hay như mấy đồng nghiệp đi cùng đây thôi. Đánh bài, chơi bida, uống rượu …như điên mà cũng có bằng thạc sĩ này nọ. Sau này có con, mình phải khuyến khích nó chơi nhiều nhiều mới được Image

Đất Mũi cách thành phố Cà Mau khoảng 100 km đường sông, nếu đi tàu cao tốc tới đó mất khoảng 2h30p, vé 75K. Thuê một chiếc cano đi về rẻ nhất cũng mất 2 triệu. Bạn cũng có thể đi xe đến Năm Căn, rồi đón tàu cao tốc ra Đất Mũi mất chừng 1h15 phút. Chúng tôi chọn cách thứ ba. Đường đi Năm Căn nhà cửa thưa thớt, cỏ lau mọc trắng hai bên đường. Xe đi qua một thị trấn cũng không thấy sầm uất hơn, cư dân ở đây đi lại buôn bán chủ yếu trên sông, nhà cửa cũng tập trung dọc bờ sông. Qua khỏi phà Đầm Cùng, bến phà cuối cùng của đất nước ở phía Nam, đường quốc lộ 1A còn hẹp hơn với những cây cầu tải trọng chỉ từ 5-6 tấn ,rồi dừng lại ở Năm Căn. Hết đường, nhưng chưa phải là cùng trời cuối đất.
Bến tàu đi Đất Mũi thật ra chỉ là một cái cầu thang từ dưới nước đi lên bờ và một phòng điều hành với những nhân viên rất tận tình. Chúng tôi ăn vội bữa trưa ở bến. Cơm dẻo và thơm, chị bán hàng còn thêm cho 2 miếng sườn nướng khi thấy khách còn cơm mà hết thức ăn. Chị không lấy tiền thêm, chỉ nhờ mua giúp vé số.Sau đó chúng tôi mới biết chị chỉ bán giùm cho người bán vé số!.

Lên tàu cao tốc, bài học đầu tiên : “Trên bờ ngồi trước, dưới nước ngồi sau”, tôi ngồi ở phía mũi tàu nên cứ bị nó nhảy sóng chồm chồm, đành phải bò xuống giữa tàu. Nói là tàu chứ nó chở chừng 50-60 người, chạy rất nhanh, sóng dạt ra hai bên đủ làm cho những chiếc vỏ lãi hay canô nhỏ hơn chao đảo khi nó chạy ngang qua. Tàu ở đây cũng đón và trả khách như trên bộ, đang chạy ngon trớn lại tấp vào một bến nào đó cho khách lên xuống. Đi hết con sông Ông Trang này, đến rạch Lòng Tàu thì hết đường thủy, đi xe ôm 5 km nữa là đến Đất Mũi. 3h20 chiều, chuyến tàu cuối cùng sẽ rời Đất Mũi, chúng tôi chỉ có khoảng 1 giờ ở đây.

 "Tổ quốc ta như một con tàu. Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau” .Xuân Diệu đã đứng ở đâu khi viết câu thơ này?. Khi tôi đứng ở đây, mũi đất này vẫn đang ầm thầm lấn ra biển(mỗi năm được 100 m), rồi “cây mắm đi trước, cây đước theo sau”, rừng xanh tiến mãi, biển trắng lùi xa …. Không có nhiều thời gian để mơ mộng, chúng tôi đi làm cái việc mà Nguyễn Ngọc Tư rất ghét, đó là chụp hình!. Kệ Nguyễn Ngọc Tư, đâu phải lúc nào cũng đến được nơi này!.Trèo lên ngọn tháp cao, chúng tôi vừa hóng gió vừa ngắm nhìn một vùng rừng và biển rộng lớn bên dưới.

Còn 15 phút, nơi đến cuối cùng là một nhà hàng xây ngoài biển. Nước ở đây cạn, cá thòi lòi nhảy lóc chóc. Không thấy ai ăn cá thòi lòi, nhưng ở đây chúng được đem làm khô, ăn rất ngon. Biết chúng tôi chỉ còn khoảng 5-10 phút, một cô nhân viên ở đây đồng ý hát tặng chúng tôi vài câu vọng cổ. Bài vọng cổ có tên là Lá trầu xanh, khi đến đoạn trách móc chàng trai không chung tình, cô ấy vừa hát vừa nhìn tôi một cách láu lỉnh khiến mấy gã cùng đi rất khoái chí. Thế là lại …chụp hình. Một tên xoay ghế qua và ra hiệu cho tên kia bấm máy. Nguyễn Ngọc Tư đúng! tấm hình có thể mất, cục đất gói đem về có thể không còn. Sao không ngồi im lắng nghe để cố giữ lại trong lòng chút mênh mang của câu vọng cổ, giữa biển trời giữa nắng gió phương Nam?. Cô gái và câu vọng cổ, đó là điều tôi không tìm mà gặp, điều đáng kể nhất ở nơi này.

Một đồng nghiệp lấy cái nón trên đầu xuống tặng cô gái, cùng với một câu vọng cổ Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà, khiến cô ấy rất vui. 

Rời Đất Mũi trở về Năm Căn trong chuyến tàu cuối cùng lúc 3h20 chiều, tàu lại ghé vào các bến để đón khách. Từ một bến nọ, có hai người một già một trẻ lên tàu, tôi bất ngờ nhận ra rằng đó là hai người bà con, nhà ở Quảng Ngãi!. Ông đưa tay chỉ qua hai bên bờ sông, nơi 3 cô con gái và 2 anh con trai của ông đang ở và buôn bán. Sau 1975, một người em của ông phiêu bạt đến tận Bạc Liêu, mười mấy năm mới tìm về nhà. Rồi những đứa cháu vào thăm chú rồi tìm đến tận nơi cùng trời cuối đất này để lập nghiệp. Lại nhớ Xuân Diệu cũng gặp người đồng hương ở nơi này, ông viết : “Cái nghèo nó đẩy mình đi”.

Tha hương ngộ cố tri, thật khó nói hết niềm vui của chúng tôi trong buổi chiều trên sông Ông Trang này...