Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

Chuyện hẹn hò ở thôn quê

Tuần trước, báo Tuổi Trẻ có bài Chúng tôi hẹn hò ở đâu? , than rằng giới trẻ nông thôn không có chỗ hẹn hò. Bài báo làm Curio nhớ lại chuyện hẹn hò ở quê ngày xưa.

Ở quê, muốn làm quen với một cô gái, đơn giản là cứ tới nhà cô ta. Nhà có con gái cập kê, xinh xắn một chút, tối nào cũng nườm nượp từng tốp con trai kéo đến chơi, uống nước trò chuyện. Thỉnh thoảng họ cũng đụng độ nhau, hăm he đánh lộn nhưng nói chung trai làng hiền lành, lại đang muốn lấy điểm với cô gái, nên hiếm khi lớn chuyện. Thông thường, nhà ai xóm nào trong làng và cả mấy xã lân cận có gái đẹp thì bọn con trai đều biết, nhưng cũng phải "lượng sức mình" để đến chơi. Hồi nhỏ, gần nhà có 2 cô S.,T. xinh gái, thế là Curio được nhận bà con mấy ông anh họ xa lắc xa lơ, khi thì gởi xe đạp, khi thì vào trốn đối thủ!. Sau này mình đi học xa về, theo thằng bạn đến nhà cô này cô kia chơi, cũng hay hihi.

Rồi cô gái cũng chọn cho mình được một chàng, phòng khách nhà cô thưa dần đi, trở nên quá rộng và quá sáng cho hai người. Họ sẽ hẹn hò ở đâu?.

Mấy đêm rồi chú Tư nghe chó sủa bâng quơ giữa khuya, sáng ra góc vườn thì thấy ai bứt lá cây hàng rào xé ra vứt ngổn ngang. Chắc là đứa nào hẹn hò gì ở đây rồi! Tụi nó nói cái gì với nhau mà đêm nào cũng rù rì? Chú Tư cứ thắc mắc hoài. Khuya hôm đó trời không trăng nhưng đầy sao, chú núp vào gốc cây cạnh góc vườn, rình xem. Nhận ra thằng H. xóm trên và con T. trong xóm, chú Tư suýt reo lên, phải đưa tay bịt miệng lại. Hai người bẻ mấy nhánh cây trên hàng rào, trải ra rồi cùng ngồi bệt xuống cạnh nhau, tay chân thừa thãi bứt bứt từng chiếc lá. Chú Tư dỏng tai lên. Ruộng nhà em cấy xong rồi. Uhm, hồi chiều anh mới nhổ mì, củ to ghê!... Im lặng ... Em mới đi may cái quần satin. Bao giờ lấy? ... À, heo nhà em mới đẻ 9 con! ... Cộp! đầu chú Tư va vào gốc cây, thì ra chú ngủ gật nãy giờ!. Trời ơi, chuyện chỉ vậy mà chúng nó rủ rỉ với nhau đêm này qua đêm khác! Chú Tư kể lại, vừa ngạc nhiên vừa buồn cười.

Tiếc rằng, đó là câu chuyện dễ thương duy nhất mà Curio nghe kể lại. Thời Curio còn học cấp 2, trai gái ở quê đã "ghê" lắm rồi. Họ toàn hẹn nhau ngoài ...bãi tha ma, dân quê gọi là gò mả. Gò mả đất cao ráo, tương đối sạch sẽ, có nhiều ngôi mộ xây, ít người qua lại ... trở thành nơi hẹn hò lý tưởng. Cũng chẳng biết họ nói với nhau chuyện gì mà tối nào cũng đi, chừng dăm ba tháng thì bụng cô nào cũng ...t0 lên. Ng. - con chú B. trong xóm là một ví dụ. Chú đánh, nhốt trong nhà, canh như canh tù nhưng quay đi quay lại đã thấy Ng. mang cái bụng chình ình. Chú đành bắt "thủ phạm" cưới gấp. Và họ sống với nhau hạnh phúc cho đến đầu bạc răng long. Có điều, do cực khổ, lại sinh đẻ nhiều nên đầu bạc răng long hơi sớm, khoảng trên dưới bốn mươi!

Hồi đó quê Curio trồng mía rất nhiều, đâu đâu cũng thấy mía. Một tối, ông Chín chui vào ruộng mía ... ỉa vất. Vừa ngồi xuống, đã nghe có tiếng sột soạt phía trước, ông hốt hoảng xách quần lùi lại. Một cặp trai gái đang loay hoay vạch mía dọn cho mình một chỗ hẹn hò, hổn ha hổn hển. Cô gái : Em yêu anh! Em mà không lấy được anh thì em chết!. Chàng trai : Anh cũng yêu em! Anh không lấy được em thì anh chết!. Chịu hết nổi, ông Chín la lên : Tổ cha bây, tao mà không đi ỉa được tao cũng chết!.
Hehe








Thứ Hai, 20 tháng 10, 2008

Nói xấu Nấm!

Ba mẹ chán Nấm rồi! Nấm ngủ suốt ngày,khi ngủ trông thánh thiện như con nhà lành, muốn chơi với Nấm hả? 2-3 h sáng Nấm thức dậy ê a!



Ba mẹ chán Nấm rồi! Nấm cứ khóc um sùm. Tè : khóc!, ị: khóc, đặc biệt gào rất to khi đói bụng khiến ba luýnh quýnh không kịp pha sữa!. Dạo này Nấm còn có trò khóc đòi nữa. Bà ngoại dưới nhà nghe khóc chạy lên bế Nấm dỗ dành, thế nào Nấm cũng mếu mếu cái miệng để "méc"!.



Ba mẹ chán Nấm rồi! Nấm nổi rôm sảy mà không chịu uống nước!.Cho Nấm uống được 3 muỗng nước, đang mừng thì Nấm há miệng nhè ra một cái hết sạch, lại phải lấy khăn lau.Nhưng Nấm lại ...hảo ngọt, cho uống siro thì mắt sáng lên,miệng chóp chép không ngừng. Mẹ bèn "lợi dụng cơ hội" cho Nấm 4 muỗng nước.



Ba mẹ chán Nấm rồi! Nấm rất là ...không biết điều. Hôm thứ 7, chỉ bỏ tã ra cho Nấm mát một chút, Nấm đã tè ướt áo quần ba, sau đó ị lên người mẹ. Huhu, ba mẹ đã rất là "tế nhị" với Nấm nhé, cứ để Nấm "tự nhiên" vì sợ Nấm giật mình!.



Ba mẹ chán Nấm rồi! Hai ngày cuối tuần, Nấm hay quấy khóc quá chừng làm ba mẹ stress luôn.



Hôm qua ba mẹ bèn bỏ Nấm ở nhà với bà ngoại và cậu, ba mẹ đi lòng vòng chơi gần 1 giờ. Đi đến siêu thị chỗ kênh Nhiêu Lộc, dừng lại hóng mát, ba mẹ lại lấy ĐT ra, xem hình ...Nấm!.






Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Chính Danh

Hiệp sĩ Minh Tiến bị thương nặng khi đuổi bắt cướp.Tin trên báo Tuổi Trẻ sáng nay gây chú ý bởi vì mới mấy hôm trước, anh Tiến-người đã bắt hơn 300 vụ cướp - còn lên báo tư vấn cách phòng tránh cướp. Trước đó nữa, anh còn được tặng một chiếc xe cho "sự nghiệp bắt cướp".

Vô cùng cảm phục anh Tiến và mong anh sớm bình phục, tình cảm đó không chỉ của riêng Curio mà của tất cả mọi người.

Nay mai, đại diện chính quyền và công an sẽ đến thăm anh, trao tặng quà và biểu dương tinh thần dũng cảm của anh, như thường lệ. Đến lúc đó, tôi ước gì đại diện công an sẽ nói với anh như vầy : " Cảm ơn anh, nhưng bắt cướp là một việc nguy hiểm. Chúng tôi được trang bị đầy đủ nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ... Lần sau, hãy để bọn cướp cho chúng tôi!".
Nói "ước gì" vậy thôi, thật ra đó là yêu cầu hết sức chính đáng. Lỡ như anh Tiến, nói dại, bị nặng hơn, hay đụng phải người đi đường khi bắt cướp, trách nhiệm này ai gánh vác đây?.

Ở nước ta, lâu nay có quá nhiều người làm những việc lẽ ra mình không phải làm!. Một bà già đi chống tham nhũng, một cô gái đi theo dõi lâm tặc, các phóng viên thì đi điều tra cơm tù, mãi lộ, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường ...v.v.
Pháp luật có đủ, cả rừng!. Bộ máy nhà nước có đủ, thậm chí thừa. Tiền bạc không thiếu. Cũng đã qua lâu lắm rồi thời chiến, cái thời giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, nhặng xị cả lên. Một xã hội được tổ chức tốt là xã hội trong đó mọi người chỉ cần làm đúng công việc của mình.

Vua ra vua, tôi ra tôi, mỗi người có địa vị và bổn phận của mình ... đó là chính danh, phần quan trọng trong học thuyết Nho giáo của Khổng Tử, ngẫm lại chính là thứ dân ta đang cần vậy.