Thứ Tư, 19 tháng 10, 2005

Em đã thấy mùa xuân chưa?

Đây không chỉ là tên một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Quốc Dũng mà còn là  một câu hỏi ám ảnh tôi hôm qua đến nay.

Nói đến mùa xuân là nói đến hoa mai. Một cành mai cũng làm nên mùa xuân:

"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"

(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai)

(Thơ Mãn Giác thiền sư do Ngô Tất Tố dịch).



Bây giờ, nói đến hoa mai thì sớm. Nhưng thực sự, mùa làm hoa mai giả (hoa nhựa) đã bắt đầu!. Bắt đầu bằng cái mùi keo khét lẹt bay từ nhà hàng xóm. Để dán cái nụ bông nhựa vào cái cuống cũng bằng nhựa, người ta phải dùng một loại keo gì đó để trên một cái đĩa sắt tròn được nối với ổ điện để lúc nào cũng nóng, giữ cho keo lỏng và ...bay mùi!.

Hàng xóm thất nghiệp, nhận hàng về nhà làm, làm cật lực một ngày, hít biết bao nhiêu là hơi độc sẽ được khoảng 5.ooo đ/người. Năm ngoái, một nữ hàng xóm đã làm được 200 nghìn đồng nhưng bị da mặt bị sưng lên do dị ứng khói độc nên đã tốn hết 400 nghìn tiền thuốc. Bài học đó vẫn chưa được hàng xóm học thuộc nên năm nay vẫn vô tư nhận hàng về làm. Cũng tại vì họ thất nghiệp, làm việc này cũng giống như là nhàn cư vi ...bất thiện, ảnh hưởng sức khỏe của chính họ và gây khó chịu cho nhà bên cạnh.

Buồn cười là chính những người hàng xóm vô tư này cũng thấy họ làm không đủ tiền để  ăn vặt. Bởi trong ngày, bao nhiêu xe, gánh hàng rong đi ngang qua đều bán được cho họ!. Thôi thì đủ những món ăn mà nếu chịu khó đọc báo thì không ai dám ăn vì sự mất vệ sinh của nó !!!.



Một buổi sáng vào bệnh viện tai mũi họng, thấy người đi khám bệnh chen chúc. ..Một ngày gặp lại bạn bè, nghe nhiều người thân chưa già lắm chết vì ung thư ...



Khoan nói đến những gì to tát, một dân tộc không có thức ăn sạch để ăn, không đủ không khí sạch để thở là một dân tộc đang tự hủy hoại mình!.



Bbao giờ mới thấy mùa xuân đây???






Thứ Ba, 18 tháng 10, 2005

Những mùa lũ ngày xưa ...

Vào khoảng tháng 9-10 âm lịch, khi những đám ruộng cuối cùng được gặt một cách hối hả, mưa bắt đầu rơi xuống trên những cánh đồng. Mưa tầm tã kéo dài, cánh đồng bây giờ trắng một màu nước, đâu đó nhô lên những bờ cỏ, đụn rơm…Những lúc trời ngớt mưa, nhìn về dãy núi xa xa, nếu không thấy núi mà chỉ thấy một màn xám đục, người lớn bảo nhau : Mưa núi! Thế nào trời cũng lụt!.
“Có nước đồng nước sông mới nhẫy”, con sông bé tẹo sau làng vốn bắt nguồn từ ngọn núi xa xa kia bỗng rùng mình lớn dậy, chảy cuồn cuộn. Nước lên cao tràn ra cả hai bên bờ. Nhà tôi ở bên cánh đồng và cách sông chừng 100m, sáng sớm ngủ dậy nghe nước chảy róc rách ngoài vườn là biết rằng trời lụt. “Nước băng(qua vườn)!”, tôi reo lên và chạy ngay ra vườn để vọc nước. Nếu nước ‘lớn’ nhanh, thế nào cũng được nghỉ học mấy hôm!. 


Nước lụt ban đầu thường đục ngầu, kéo theo nhiều cỏ rác bọt bèo. Người lớn thường kêu là “nước bọt”, dặn trẻ con không được lội kẻo bệnh. Nhưng thật khó mà cản được sự phấn khích của bọn trẻ!. Chúng tôi đóng thân cây chuối thành bè và loay hoay tập chèo trên mấy đám ruộng. Đi bẻ trộm mía rồi lấy cát chà cho cây mía trắng phau trông rất ngon mắt rồi mới ăn, vứt lá mía và bã mía xuống nước để …phi tang. Chúng tôi đi dọc theo các hàng rào, lấy cành cây đập đập, thế là bọn dế vừa rời hang để “lánh nạn” trên cây đã rớt tõm xuống nước, chỉ việc tóm lấy đem về nướng ăn thơm phức, béo ngậy. Thích nhất là theo người lớn đi bắt cá. Nếu nước ít thì thả lờ, cá theo nước chạy lên ruộng để kiếm mồi thi nhau chui vào lờ. Cần biết lờ là một ống hình trụ đan bằng tre, ở hai đầu có gắn 2 cái hom hình nón cụt làm bằng những nan tre mỏng vót nhọn, quay ngược vào trong. Cá đã chui chỉ chui được vào lờ mà không ra được. HồI nhỏ đi học về ngang qua cánh đồng, thấy có cá trong lờ, tôi đã từng vội thò tay vào …bắt trộm, tay đã vào trong lờ, cá đã nằm trong tay nhưng loay hoay không biết cách nào rút tay ra!!!.Lúc nhỏ, tôi ao ước có mấy cái lờ để bắt cá nhưng má không cho, sợ tôi ham đi rồi nước cuốn trôi mất!!!. 


Thôi thì đợi nước rút rồi lẽo đẽo theo cô tôi đi kéo ‘nhá’. “Nhá” cũng có bốn gọng như vó, nhưng nhỏ hơn và lưới dày hơn, đặt xuống dòng nước rồI đôi ba phút kéo lên để bắt cá nhỏ. Thỉnh thoảng có chú cá lớn lọt vào, lại phóng mình nhảy đi mất trong sự tiếc rẻ của cô cháu tôi. Có năm cá nhiều, kéo lên lần nào cũng có dăm bảy con, nhiều nhất là cá rô ron. Chịu lạnh và ướt, kéo một buổi cũng bắt được cả xoong cá nho nhỏ. Đem về kho ăn ngon tuyệt. Mùa mưa ăn cái gì cũng ngon mà lại mau đói!. Đúc bánh xèo ăn là tuyệt nhất nhưng những ngày lụt như vầy không thể đi chợ thì lấy đâu ra thịt! Thôi thì làm thịt một con vịt, bằm ra để đúc bánh xèo vậy. Tuyệt vời !!!. 


Những ngày lụt tôi còn được đi ghe, xóm tôi không ai có ghe nhưng ở xóm dưới, đất thấp hay ngập nước nên nhà nào cũng có ghe. Đến mùa lụt, họ chống ghe đi ngang và cho chúng tôi đi nhờ, chỉ cần băng qua cánh đồng đầy nước là có thể bước lên mặt đường tuy lầy lộI nhưng không bị ngập lụt để đi học, đi chợ....Sau này, những người lớn còn làm những bè chuối chắc chắn để vượt qua cánh đồng. 


…Những ngày lụt không chỉ toàn là những ngày vui. Khi tôi còn nhỏ xíu, ở trong một ngôi nhà nhỏ mái tranh, nền đất thấp nên cứ nước ‘lớn’ một chút là nhà bị ngập. Bác tôi phảI qua cõng tôi sang nhà bà con hàng xóm, bác gọi là ‘tản cư’. Kỳ lạ là nhà hàng xóm chỉ cách đó 100 met nhưng đất khô queo, nước mưa thấm đâu mất còn nước lụt thì chưa ngập tới.Nhà hàng xóm ở đất gò, còn nhà tôi ở đất thịt(?). Sau đó, nhà tôi làm nhà mới. Tốn kém nhiều nhất chắc là cái nền nhà, một nền nhà cao nhất xóm!. Bao nhiêu gánh đất được đổ lên. Đổ xong đất, người ta chạy nước vào và đánh một cặp bò lên cho đi tới đi lui để nện cho đất xuống. Thế nhưng, không ai ngờ rằng nhà làm xong rồi còn phải đón bò vào nữa! Năm đó lụt rất lớn. Nước lên nhanh, ngập chuồng bò, ngập sân rồi vào cả trong nhà, nước cao đến ngạch cửa. Chuồng bò bị sập đè lên con bò, nghe tiếng kêu cứu, người bà con hàng xóm biết bơi đã đến, dỡ chuồng bò rồi dắt con bò ….vô nhà. Dưới bước chân nặng nề của nó, nền nhà ngập nước lại sụp xuống, và những ổ mốI trong nhà nổi lên, trôi theo dòng nước. Nước lụt vô nhà, mệt kinh khủng! Đồ đạc phải kê lên, rồi lại kê thêm lên, thờI đó đèn dầu hiu hắt, xóm thì thưa ngườI, nhà chỉ toàn phụ nữ và trẻ em không biết bơi. Lo sợ phập phồng. Nước vừa mấp mé sân nhà, má tôi đã cắm một cái que để đánh dấu mực nước, đang cơn nước lớn lại cứ phải dời que liên tục lên cao. Cũng có khi nước xuống thấp một chút, mọi ngườI reo lên mừng rỡ, trời lại đổ thêm mưa và nước lại lên. Tôi nghe tiếng má tôi lầm rầm cầu nguyện gì đó, hình như là : “Trăm lạy ngài” …, nghe rất thành kính dù tôi biết rằng má chẳng theo đạo gì. 


Sợ nhất là nghe tiếng kêu cứu văng vẳng đâu đó. Ở quê tôi, hiếm khi có người chết vì nước lụt nhưng hư hại nhà cửa, mùa màng, gia súc bị trôi mất thì có nhiều. Trong những lúc như vậy, tôi thường rất sợ. Chỉ cần nhắm mắt lại, tôi sẽ thấy một hình ảnh kỳ lạ trở đi trở lại ám ảnh tôi. Đó là một phụ nữ búi tóc, đang kêu cứu và hai con vịt đang bình thản trôi theo dòng nước lũ. Bạn có thấy kỳ lạ không? Hình ảnh ngườI phụ nữ đó chắc là má tôi, còn con vịt? phải chăng trong trí tưởng tượng trẻ thơ của tôi, nó thể hiện mong ước dễ dàng nổi lên trên mặt nước?. 


Không có gì buồn bằng những ngày nước lớn, tôi ngồi thu lu trên tấm phản, ngạc nhiên nhận thấy rằng nước lụt không chảy từ hướng sông vào vườn nữa mà chảy ngược lại.Có lẽ nước cũng không còn chỗ để mà chảy nữa! Đất đã uống no nước từ lâu và trở nên nhão nhoẹt. Đất cũng rã rời như lòng người trước sự cuồng nộ của trời cao.
Trong vườn, những cây cau, cây ổi mới xanh trở lại nhờ những cơn mưa đầu mùa đã héo đi vì ngộp nước. Nếu lụt còn ngâm thêm vài ngày, chắc chúng sẽ chết hết. Từ lưng chừng thân cau, nơi nước ngập và rác bám vào, bỗng mọc ra một bộ rễ mới! Ở vườn nhà tôi, cây cau nào cũng có hai bộ rễ như vậy. Đợi lúc nước rút thấp xuống, tôi sẽ ra vườn khua khoắng cho lớp bùn non bám vào lá cây, thân cây …trôi đi.
Nếu lụt mà còn kèm theo gió bão nữa thì mới thật khủng khiếp. Nhà tôi trồng nhiều đu đủ để bán trái chín. Có năm, toàn bộ đu đủ bị gãy, nhặt trái xanh vào chất đầy nhà, nước lụt không đem ra chợ bán được mà có bán thì cũng bán đổ bán tháo cho người ta về nấu cho heo ăn. 


Ngập chừng vài ba ngày rồi nước cũng rút đi, theo suối theo sông đi mãi, chở theo cả những lo lắng trẻ con của tôi. Mặc cho người lớn dọn dẹp nhà cửa, giặt cái này, phơi cái kia, tôi lại cùng đám bạn nhỏ lội nước đi học, lại uớt lẹp nhẹp, cười toe toét khi trở về nhà vào giờ ăn cơm.
Còn nhỏ, nhưng tôi cũng đã biết rằng quê mình bị lụt như thế là còn nhẹ. Thời đó, cứ sau mùa lụt, có những người nghèo khổ xuất hiện ở làng tôi. Họ từ đâu xa lắm, từ Quảng Bình, Quảng Trị …. bị bão lụt làm trôi mất nhà cửa mùa màng.Tôi nhớ những con ngườI tội nghiệp, ốm yếu, rách rưới, …đã đến trước sân nhà tôi …Thường không nghe hết những lời họ nói, mà cũng không thể nghe hết vì giọng họ “trọ trẹ” khó nghe lắm, má tôi đã chạy vội vào nhà để xúc cho họ một vài lon gạo, đổ vào cái túi vải của họ. Có khi ở nhà một mình, tôi cũng bắt chước má làm thế mà không sợ bị la. Lá lành đùm lá rách, chúng tôi cũng chỉ có thể giúp đỡ họ được đến thế vì chính chúng tôi cũng rất nghèo.Nghe nói những người này sống tạm ở chợ, ở đình gì đó, đem gạo xin được tự nấu ăn hay đổi lấy thức ăn. Họ đi qua làng, vào từng nhà để xin ít gạo, ít tiền sống qua ngày rồI trôi giạt mãi về phương Nam, nơi tôi nghe nói là có nắng ấm quanh năm và không bao giờ bị bão lụt. 


Cũng có lúc, tôi đứng ở bậu cửa mãi nhìn theo họ, trong đó có cả trẻ con, rồi tưởng tượng mình là một trong những chú bé kia mà mắt tôi nhòa lệ. 


Tôi đã học được nhiều điều từ những mùa lũ ngày xưa....