Sau 30-4-1975, thầy Long phải đi học tập cải tạo. Trong một lần chuyển trại, tay xách, vai mang đồ đạc cá nhân..., lòng canh cánh nỗi lo buồn, thầy cùng đoàn "học viên" lầm lũi bước dưới sự áp tải của những chiến sĩ có vũ trang. Bỗng thầy cảm thấy có ánh mắt đang nhìn mình chăm chú. Ngẫng đầu lên, thầy bắt gặp cái gật đầu chào của người áp giải. "Chào thầy!Thầy có nhớ em không ạ?. Em là X., có học lớp ... của thầy trong một thời gian ngắn trứơc khi "nhảy núi" theo bộ đội!". À, ừ!, thầy lúng túng đáp. Gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy, họ cũng không nói được gì thêm. Thầy vẫn cắm cúi bước còn người lính phải vượt lên trước rồi lùi lại sau để quan sát đoàn người. Họ phải leo qua một con dốc giữa cái nắng càng lúc càng gay gắt, và thầy càng lúc càng tụt lại phía sau vì yếu.
Người lính bất ngờ lùi lại, mang đỡ cho thầy một túi đồ. Rồi thấy túi còn lại vẫn quá nặng đối với thầy, anh đề nghị : "Thầy đưa hết đồ đây qua cho em, thầy mang ...khẩu súng giùm em!.". Thế là một cuộc "áp giải" kỳ lạ nhất đời đã diễn ra : "người tù " vai mang súng, còn "người áp giải" tay xách vai mang đồ đạc. Họ vượt qua con dốc và cái nắng, vượt qua kỷ luật khắt khe, vượt qua cả ranh giới của "kẻ thắng người thua"...
...Sau này người lính đó giải ngũ và vào Daklak làm rẫy sinh sống. Thầy tôi cũng trở lại với nghề giáo thanh bạch của mình. Ba mươi năm sau, con trai của thầy đã gặp lại người học trò xưa của ba mình, mừng mừng tủi tủi.
...Khi kể lại câu chuyện này, thầy tôi vẫn đầy xúc động. Với thầy, đó là một trong những điều hạnh phúc nhất mà cuộc đời có thể mang lại cho nghề giáo của mình!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét